Kon Tum - Đánh thức đại ngàn
Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước, với khoảng 60% là số hộ nghèo, là một trong 3 vùng được tỉnh Kon Tum xác định là vùng kinh tế động lực (Vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum gắn với khu công nghiệp Hoà Bình, Sao Mai; vùng kinh tế động lực Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và vùng kinh tế động lực Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen) nên tỉnh Kon Tum đang tập trong mọi điều kiện để “đánh thức” nơi này. Hy vọng, trong tương lai, huyện Kon Plông sẽ toả sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Hàng ngàn tỷ USD không mua được nhiệt độ
Huyện Kon Plông chỉ cách thành phố Kon Tum khoảng 50 km, với khu du lịch sinh thái Măng Đen bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh, rừng thông đỏ, với bạt ngàn sim, mua cùng hàng chục thác, suối, hồ nước kỳ ảo, trong xanh, không khí mát mẻ, trong lành quanh năm. Nhiệt độ dao động khoảng 18-22oC, khí hậu ở nơi này được ví như “Đà Lạt thứ hai ở Tây Nguyên”. Tất cả tạo nên nét nguyên sơ không nơi nào có được. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở huyện Kon Plông rất thích hợp trồng, phát triển các loại rau, hoa xứ lạnh, nuôi trồng một số loài thuỷ sản nước lạnh như cá tầm, cá hồi…Không những thế, người Xê Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hrê… đang giữ gìn những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc mình; thật thà, nồng hậu và mến khách.
Vườn hoa thực nghiệm
Ông Trần Thơ Xương - một du khách người Trung Quốc đã ngẩn ngơ trước vẻ đẹp huyền ảo của Măng Đen, sau khi đi tham quan một số cảnh đẹp như chốn bồng lai đã phải thốt lên:”Tôi thấy Măng Đen rất đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ, rất thích hợp để đi du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng”. Với mục tiêu trở thành điểm nhấn giữa “con đường xanh Tây Nguyên”, Chính phủ đã qui hoạch phát triển Khu du lịch sinh thái Măng Đen với với 11 cụm, điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, kinh phí dự kiến gần 2.000 tỉ đồng. Đến nay, huyện Kon Plông đã thành công trong việc xây dựng mô hình thí điểm trồng rau, hoa quả cao cấp xứ lạnh, đã có hàng chục dự án đăng ký đầu tư. Các dự án sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng, suối nước nóng, vườn tượng đá đồng bào Tây Nguyên, khu thực nghiệm, nghiên cứu sinh học cho sinh viên, với vốn đầu tư hàng chục triệu đô la đang được triển khai và mời gọi các nhà đầu tư.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức hội thảo quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và đô thị Kon Plông đến năm 2030, ông Ngô Trung Hải- Viện trưởng Viện kiến trúc và Quản lý đô thị Việt Nam đã đề xuất:“Măng Đen phải tìm được cái gì rất riêng cho mình để tránh khỏi bước sai lầm mà các đô thị du lịch nghỉ dưỡng khác của Việt Nam đang vấp phải. Cái này chúng ta nên quay lại một mô hình rất xa xưa, tức là: Nói đến đặc thù của một vùng thì thứ nhất là cái không thể đầu tư được đó là nhiệt độ, khí hậu, đó là cảnh quan khu vực rừng nguyên sinh. Cái đó là cái riêng Măng Đen, mà cái đó là cái đặc thù nhất, phải giữ lại bằng được cái đó, không thể mua được cái nhiệt độ. Đầu tư bao nhiêu tiền, hàng ngàn, hàng tỷ USD cũng không thể nào có được nhiệt độ và khí hậu tuyệt vời như Măng Đen“.
Các ngôi biệt thự đã và đang xây dựng.
Tiềm năng đang được đánh thức
Với phương châm:”trải thảm đỏ” cho các nhà đầu tư, tỉnh Kon Tum đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như mạng lưới điện thoại, mạng lưới điện, hệ thống đường giao thông; hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có dự án phát triển trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí đền bù, hỗ trợ mặt bằng xây dựng đối với các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng; hỗ trợ về giá hàng hoá và dịch vụ đối với các nhà đầu tư nước ngoài; hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm, chi phí quảng cáo và xúc tiến thương mại đối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang và sẽ đầu tư vào tỉnh Kon Tum. Ông Võ Văn Manh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kon Tum - cho biết:”Trung tâm sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, thông tin về cơ chế chính sách đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh”. Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư vào Măng Đen, ông Phạm Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cam kết:”Cam kết về cải cách thủ tục hành chính trong xúc tiến đầu tư, đặc biệt đối với vùng kinh tế động lực Măng Đen sẽ có mô hình cụ thể”. Còn ông Đào Duy Thế - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông - cho biết thêm: ”Các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với các nhà đầu tư đều áp dụng ở đây. Ngoài ra, khi các nhà đầu tư đến huyện được hưởng các cơ sở vật chất chủ yếu như giao thông, điện, nước. Huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu này đến hàng rào của doanh nghiệp”.
Nhờ những cơ chế, chính sách ưu đãi và thuận lợi này, hiện nay đã có 84 dự án đăng ký đầu tư với tổng trị giá trên 5.395 tỷ đồng, trong đó, 13 dự án được phê duyệt với số kinh phí trên 3.433 tỷ; 14 dự án UBND tỉnh Kon Tum cho chủ trương đầu tư, với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ... Huyện Kon Plông cũng đã qui hoạch khu du lịch Măng Đen với 174 ngôi biệt thự. Đã có trên 50 ngôi biệt thự xây dựng hoàn chỉnh, trong số đó nhiều biệt thự đang được khai thác phục vụ khách du lịch như Khách sạn Hưng Yên, Hoa Sim, Hoa Hồng... Một số dự án như nuôi cá tầm, trồng rau hoa xứ lạnh, chế biến rượu sim… đang đem lại kết quả khả quan. Ông Đỗ Hoàng Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Sài Gòn - Măng Đen đã đầu tư xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng nơi này hơn 4 năm, bước đầu thu hút du khách đến nghỉ dưỡng. Ông Hải - cho biết thêm:”Chúng tôi rất thích thú ở đây vì quang cảnh thiên nhiên không có nơi nào có được. Chúng tôi đến đây được tỉnh rất ưu ái giá thuê đất rất rẻ, cấp cho chúng tôi những địa điểm lý tưởng nằm trên quốc lộ 24 và những địa điểm đắc địa nhất của vùng Măng Đen này như hồ Toong Đan, thác Pau Sũ, vườn hoa ở hồ Đăk Ke hay các khu resort chúng tôi đang xây dựng và đặc biệt, chúng tôi đang xây dựng sân golf ở đây. Hiện nay khách chúng tôi cũng tương đối, tuy mới ra đời nhưng tự nó nuôi nó được”. Mới đây, lần đầu tiên tại địa bàn xã Hiếu, huyện Kon Plông, nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia Ukraina và Nga, đã ấp nở và ươm nuôi thành công trên 375 ngàn con cá tầm, một số cá con đang được gây nuôi tại địa phương và một số chuyển sang nuôi tại tỉnh Lâm Đồng. Công ty cá tầm số 1 Kon Tum đang triển khai dự án nuôi cá tầm có giá trị hàng chục tỷ đồng, trong đó, có cả quy hoạch xây dựng nhà máy chế biến. Ông Lê Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty Cổ phần cá tầm số 1 Kon Tum - cho biết thêm:”Ngay từ ngày đầu tiên mang cá tầm đến Kon Plông đã thất bại, chết 90% con giống mang về đây. Đến nay nuôi 4 năm, còn 10%, gần như chỉ nuôi thí nghiệm. Hiện nay còn 500 con, hơn 10 kg và năm ngoái quyết định làm ăn lớn ở đây”. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi biết thông tin cá tầm được nuôi tại Kon Plông cũng đã đến đây tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ông Sergey Lapshin-nhà đầu tư đến từ Ukraina cũng đã quyết định đầu tư nơi này:“Sau khi tham khảo quy mô đầu tư ở đây lớn, có khả năng đem lại lợi nhuận nhiều, chúng tôi bắt đầu có những quyết định đầu tư vào đây. Quy mô đầu tư có thể vài trăm ngàn cho đến vài triệu USD tuỳ theo phân tích của chuyên gia“.
Hướng đi đã rõ
Để phát triển vùng kinh tế động lực huyện Kon Plông gắn với khu du lịch sinh thái Măng Đen, theo bà Y Vêng-nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ: Địa phương khẩn trương làm việc với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ lập “Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030; tiếp tục làm việc với các bộ, ngành trung ương để đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt bổ sung Khu du lịch sinh thái Măng Đen vào quy hoạch du lịch Việt Nam. Đồng thời, kêu gọi đầu tư xây dựng sân bay taxi tại Măng Đen; tiếp tục đề nghị trung ương cho chủ trương đầu tư các dự án có tính đặc thù như casino, làng đại học; triển khai thực hiện Đề án đầu tư, tôn tạo và phát triển làng văn hoá du lịch cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện Kon Plông... Còn định hướng phát triển cá tầm xứ lạnh thì theo ông Sergey Neborachek - Viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học Ukraina:“Khí hậu ở Kon Plông rất thích hợp để nuôi cá tầm, nhiệt độ không quá 250C. Nhiệt độ của nươvs khoảng 17-180C rất thích hợp để nuôi các loại cá tầm. Ở đất Kon Plông, sau khi nuôi thử nghiệm trong năm đầu nó sẽ phát triển từ 1-1,5 kg/con. Năm thứ 2 từ 3-7 kg, năm thứ 3 có thể trên 10 kg“. Định hướng chiến lược phát triển cá tầm trong tương lai, huyện Kon Plông xác định mục tiêu trọng tâm là phát triển cá tầm, ông Nguyễn Văn Lân - Phó Bí thư Huyện uỷ Kon Plông - cho rằng:“Chúng tôi phấn đấu đến năm 2012 thành lập hợp tác xã cá tầm. Đến năm 2015, sản lượng đạt trên 500 tấn. Hợp tác xã chịu trách nhiệm về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Cùng với cá tầm, trái sim rừng được 1 doanh nghiệp tận Phú Quốc vào thu mua. Với diên tích gần 5.000 ha sim rừng, Kon Plông hứa hẹn sẽ là thủ phủ thứ hai của rượu sim, mứt sim….ở Việt Nam. Chẳng bao lâu nữa, nhà máy chế biến rượu sim sẽ được xây dựng ở Kon Plông, mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo cho người dân. Đồng thời, sản phẩm từ sim rừng sẽ là sản phẩm phục vụ cho ngành “công nghiệp không khói”. Ông Trịnh Công Phát - Giám đốc Cty TNHH Sim Sơn Măng Đen - đánh giá rất cao chất lượng sim rừng tại huyện Kon Plông:“Đây là tiềm năng rất lớn vì đối với cây sim, đây là vùng đất phù hợp nhất. Diện tích sim ở đây ở tất cả các xã trên quốc lộ 14. Vấn đề nữa chất lượng sim rất khác với ở Phú Quốc và 1 số vùng khác như màu sắc, hương vị rất đạt trong ngành chế biến“.
Huyện nghèo Kon Plông đã, đang và sẽ được đánh thức như nàng công chúa kiều diễm bừng tỉnh sau giấc ngủ dài, song điều quan trọng nhất phải giải quyết công ăn, việc làm cho người dân địa phương nơi này gắn với khu du lịch sinh thái Măng Đen, nuôi trồng một số loài động, thực vật xứ lạnh... Có như vậy, Kon Plông mới phát triển bền vững.
Leave a Comment