Măng Đen - Đất bằng trên núi

Cái bài “Măng Đen ca” thật đã làm tôi hình dung khác về Măng Đen vì giai điệu bằng phẳng và nỉ non của nó. Đến khi lên tới đỉnh đèo Măng Đen thì bài hát đã rơi lại phía sau. Ào ạt gió. Rào rạt nắng. Thông reo vi vu… vi vu… Ngược dốc. Đổ đèo. Sương hay chính là mây quấn vào ta.


Thoắt mờ mịt khói sương. Thoắt đã bừng sắc vàng của lúa, sắc xanh của mây trời. Những con đường đất đỏ miên man có thể dẫn ta đến với hoang dã đại ngàn, tìm một ráng chiều cô liêu u tịch; hay sẽ đưa ta đến một đỉnh thác réo gào, ngắm bọt nước tung trắng trời mà mơ màng một dáng hình sơn nữ; và khi đã chồn chân thì chợt nhận ra những nếp nhà sàn mơ màng khói cơm thơm nơi sườn đồi lũng núi…

Điều gì cũng có thể xảy ra, nếu bạn đủ sức lực và dũng khí đặt chân lên những con đường đó, và có mất gì mà không tưởng tượng mọi thứ chuyện đường rừng vì quả là những con đường ở Măng Đen xứng đáng tạo nên những cảm giác đó, vì chúng đủ hun hút, vì chúng đủ vắng vẻ, vì chúng đủ hoang sơ dữ dội và vì chúng làm cho ta bối rối, thẫn thờ khi thấy mình lọt vào giữa không gian nguyên thuỷ, huyễn hoặc, sinh động ấy, được gột rửa, được tinh khôi, và ngạc nhiên thấy mình bỗng thành lãng đãng lạ lùng.


Đường đến Măng Đen. 
Ảnh: Văn Phát
Măng Đen là vùng đất của thông, của núi rừng sông suối hồ thác, của những tộc người bản địa Xơ Đăng, Mơ Nâm.
Măng Đen cách thị xã Kon Tum chừng 1 tiếng đi xe. Từ thị xã Kon Tum, xe cứ thế leo ngược dốc. 800m. 1000m. 1300m… Lên đến đỉnh đèo Măng Đen, thị trấn Kon Plông (huyện Kon Plông, Kon Tum) bất ngờ hiện ra, bằng phẳng như cái tên Măng Đen (tiếng Xơ đăng, Măng Đen là vùng đất bằng).

Thiên nhiên ban tặng cho Măng Đen nhiều thác nước, hồ nước đẹp. Ảnh: Văn Phát

Rừng hai bên đường ướt rượt. Và miên man cỏ dại, hoa rừng. Ở đây quanh năm khói sương, nắng vừa rực vàng, chớp mắt, đã lại mây sà xuống. Và lạnh cũng quanh năm, có lúc xuống tới 6oC, căm căm sương giá. Nên con gái da mịn, cứ hồng như phấn. Nên ngắm mimôda nở cứ ngỡ mình đang Đà Lạt. Nên hoa dại trải thảm đủ màu dưới tán thông dày. Hít một hơi, căng lồng ngực hương thanh sạch nồng nàn của đất, của lá cây, không bận bịu thứ mùi văn minh của khói xăng, hơi người và đủ loại mùi nhân tạo.


Làng mới. Ảnh: Văn Phát


70% diện tích Kon Plông là rừng tự nhiên. Khu vực Măng Đen thì bạt ngàn thông - những cánh rừng thông con người trồng lên để phủ đi những bom cày đạn xới của chiến tranh. Một cán bộ huyện gắn với Măng Đen từ ngày mới giải phóng, hoài niệm rằng: Ngày ấy, bom xăng rải xuống, núi đồi chỉ còn cỏ xăng cỏ cay, thú hoang thì cũng chỉ cọp, chó sói tồn tại được trên địa hình như thế. Măng Đen từng là “tổ Fun-rô, thủ đô đu đủ”.


Các dân tộc thiểu số chiếm hơn 97% dân số Măng Đen. Ảnh: Văn Phát


Măng Đen nay vẫn thưa người. Bạn có thể lang thang mãi mới gặp một làng. Đừng ngại ghé vào một nhà sàn nào đó ven đường, người dân nghèo nhưng hiếu khách biết đâu sẽ mời bạn một bát cơm nấu gạo “bọc thép” giã từ mẻ gạo vừa rang quèn quẹt trong chiếc chảo to; biết đâu bạn sẽ được mời dự một lễ cúng chuồng trâu mà ai là khách thì được đặc biệt quý vì người Mơ Nâm cho rằng khách sẽ mang đến cho họ may mắn cả năm…

Biệt thự nghỉ dưỡng, dịch vụ phục vụ. Ảnh: Văn Phát

Và khi đã mệt nhoài vì leo rừng, lội thác, khi đã được tẩm ướp đến rét run trong gió lạnh và sương mù, bạn sẽ trở về với khu trung tâm Măng Đen đã và đang mọc lên rất nhiều khách sạn xinh xinh dưới tán thông, ăn món rau sạch thấm đẫm không khí trong lành của núi rừng, quấn chăn mà tìm hơi ấm, mặc cho dưới chân núi, thị xã Kon Tum đang nồng nực khô khao.
Chẳng thế mà người ta đã ví Măng Đen là Đạt Lạt thứ hai trên cao nguyên!

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.