Quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đến năm 2030
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 5/2/2013 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị KonPlông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030. Theo đó, xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đến năm 2030 với những nội dung thiết thực, cụ thể, tính khả thi cao.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng; hướng khai thác sản phẩm đặc trưng là: du lịch văn hóa Tây Nguyên; tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; nghỉ dưỡng núi; tham quan nghiên cứu hệ sinh thái cao nguyên gắn với các sản vật hoa, cà phê, voi; du lịch biên giới gắn với cửa khẩu và tam giác phát triển.
Trong đó, Gia Lai – Kon Tum gắn với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Măng Đen, Yaly; là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Khu du lịch quốc gia Măng Đen, điểm du lịch quốc gia ngã ba Đông Dương, hồ Yaly (tỉnh Kon Tum) nằm trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Đặc biệt, khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen nằm trong các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2012 - 2020 với tổng vốn đầu tư là 380 triệu USD.
QUY HOẠCH KHU DU LỊCH SINH THÁI QUỐC GIA MĂNG ĐEN
Vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen được quy hoạch quy mô khoảng 138.116ha, được chia làm 4 vùng dựa trên vị trí, điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển, bao gồm:
Vùng đô thị KonPlông (vùng du lịch trung tâm); diện tích tự nhiên là 14.682,7ha, bao gồm các khu chức năng: thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, thể thao cao cấp có các loại hình du lịch: sinh thái, lễ hội, ẩm thực, trải nghiệm... Diện tích xây dựng khoảng 3.000ha.
Vùng du lịch phía Bắc (vùng liên kết, hỗ trợ) gồm các xã Đăk Tăng – Măng Bút, Đăk Rin – Đăk Nên với diện tích đất tự nhiên là 67.526ha. Nơi đây có các loại hình du lịch cảnh quan, dã ngại, trải nghiệm, khám phá, chăm sóc sức khỏe...
Vùng du lịch phía Đông Bắc (vùng liên kết, hỗ trợ - xã Ngọc Tem) với diện tích tự nhiên là 35.388ha gồm các loại hình du lịch: chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm, khám phá tự nhiên.
Vùng du lịch phía Đông (vùng liên kết, hỗ trợ - xã Hiếu, Pờ Ê) với diện tích tự nhiên là 20.159ha, gồm các loại hình du lịch như: cảnh quan, trải nghiệm, lễ hội, vui chơi giải trí...
Các tuyến du lịch chính: KonPlông và vùng phụ cận; tuyến du lịch KonPlông – Đăk Tăng – Măng Bút: theo hướng tuyến tỉnh lộ 676 và tỉnh lộ 680B; tuyến du lịch KonPlông – Đăk Nên: theo hướng tuyến tỉnh lộ 676; tuyến KoPlông – Ngọc Tem: theo hướng tuyến Đông Trường Sơn; tuyến KonPlông – Hiếu – Pờ Ê: Theo hướng tuyến quốc lộ 24.
Các trung tâm du lịch gồm:
Đô thị Kon Plông là trung tâm du lịch chính của vùng du lịch sinh thái Măng Đen, bao gồm các khu chức năng: nghỉ ngơi, điều dưỡng, du lịch sinh thái, thể thao, giải trí, dịch vụ du lịch, ẩm thực, hội chợ triển lãm thương nghiệp, biểu diễn ca múa nhạc, làng văn hóa dân tộc, công viên hoa chuyên đề... có diện tích khoảng 3000ha.
Khu du lịch Đăk Tăng – Măng Bút là khu du lịch cảnh quan, dã ngoại. Quy mô khu trung tâm 1350ha, mật độ xây dựng tối đa 5%, các khu vực ngoài khu trung tâm được xây dựng với mật độ nhỏ hơn 5%, dự kiến bao gồm các hạng mục chính: khu trung tâm làng văn hóa dân tộc, làng du lịch sinh thái, khu ngắm cảnh ven lòng hồ thủy điện.
Khu du lịch Đăk Nên là khu du lịch chẩn trị và tắm khoáng. Quy mô khu trung tâm khoảng 350ha, mật độ xây dựng tối đa 5%, các khu vực ngoài trung tâm được xây dựng với mật độ nhỏ hơn 5%.
Khu du lịch Ngọc Tem là khu du lịch cảnh quan, dã ngoại và điều dưỡng. Quy mô khu trung tâm khoảng 725,94ha, mật độ xây dựng tối đa 5%, các khu vực ngoài trung tâm được xây dựng với mật độ nhỏ hơn 5%.
Khu du lịch xã Hiếu – Pờ Ê là khu vực khai thác về tiềm năng lễ hội, tham quan, sinh hoạt văn hóa. Quy mô khu trung tâm khoảng 2507,92ha, mật độ xây dựng tối đa 10%, các khu vực khác mật độ xây dựng nhỏ hơn 5%.
NHỮNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI
Để thực hiện tốt việc quy hoạch phát triển Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chính quyền, ngành Du lịch và cộng đồng dân cư tỉnh Kon Tum cần:
Tổ chức công bố công khai đồ án Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị KonPlông tỉnh Kon Tum đến năm 2030 đã được phê duyệt, đồng thời ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo đồ án quy hoạch cho các cấp chính quyền và nhân dân được biết.
Triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung đô thị KonPlông tỉnh Kon Tum đến năm 2030.
UBND tỉnh Kon Tum, UBND huyện KonPlông phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành chức năng đề xuất một cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, để thu hút các nhà đầu tư đến với Măng Đen.
Chính quyền các cấp phối hợp với Sở VHTTDL và các ngành chức năng, có kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của việc phát triển du lịch: tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư; đóng góp nguồn ngân sách cho nhà nước; giữ gìn tài nguyên môi trường; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Kon Tum đến với du khách trong nước và quốc tế, nhằm thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với Măng Đen, đến với Kon Tum.
Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch bền vững, hiện đại trong tình hình mới.
Có kế hoạch tuyên truyền quảng bá du lịch Măng Đen trong nước và quốc tế, đến các thị trường trọng điểm bằng nhiều hình thức như: triển lãm, hội thảo, hội chợ, tổ chức các sự kiện du lịch, phát hành các ấn phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin báo chí...
Tăng cường mối liên kết hợp tác du lịch trong nước và quốc tế; trước mắt là mối liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; các tỉnh Ubonratchathani, Sisaket của Vương quốc Thái Lan, nhằm quy hoạch một chuỗi sản phẩm du lịch liên hoàn mang tính đặc trưng các vùng miền, nối Đông – Tây, núi – biển để thu hút du khách và các nhà đầu tư.
Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen tỉnh Kon Tum là tài nguyên du lịch có giá trị của Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên, để đánh thức tài nguyên, đưa khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen cất cánh, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của chính quyền các cấp, ngành Du lịch từ trung ương đến địa phương và cộng đồng dân cư ở khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và nhân dân tỉnh Kon Tum./.
Leave a Comment